Cập nhật 03.06.2024 | Kiến thức
Hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về khách du lịch, nhưng nhìn chung, các định nghĩa đều liên quan đến việc rời khỏi nơi cư trú và mục đích của chuyến đi.
Theo Khoản 2 Điều 3 Luật du lịch 2017, khách du lịch được định nghĩa như sau: “Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.”
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới(UNWTO): “Khách du lịch là người rời khỏi nơi cư trú của mình trên 24h và nghỉ qua đêm tại đó với nhiều mục đích khác nhau ngoại trừ mục đích kiếm tiền”.
Như vậy, có thể hiểu, khách du lịch là những người di chuyển từ địa điểm này tới địa điểm khác trong một khoảng thời gian nhất định, với mục đích giải trí, nghỉ ngơi, tham quan hoặc làm việc kết hợp du lịch,... ngoại trừ mục đích kiếm tiền.
Trong chuyến đi của mình, họ sẽ tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như: tham quan danh lam thắng cảnh, khám phá văn hóa địa phương hoặc tham gia các hoạt động giải trí, hội nghị, triển lãm, sự kiện khác,...
Rời khỏi nơi cư trú: Khách du lịch sẽ rời khỏi nơi cư trú của mình và đến một thành phố hoặc quốc gia khác để du lịch. Những địa điểm này thường mang đến cho họ những trải nghiệm mới mẻ và cơ hội khám phá văn hóa, cảnh quan, lối sống, ẩm thực độc đáo,...
Đến từ nhiều quốc gia khác nhau: Khách du lịch có thể đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Điều này tạo ra một môi trường giao lưu đa văn hóa, khi mà khách du lịch có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với những người bạn mới đến từ quốc gia khác.
Đa dạng mục đích du lịch: Khách du lịch có thể đi du lịch vì nhiều lý do khác nhau. Có người đi du lịch để giải trí và thư giãn, trong khi những người khác lại muốn khám phá văn hóa và lịch sử của địa phương,...
Chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ tại điểm đến: Trong quá trình du lịch tại điểm đến, khách du lịch sẽ chi tiêu cho việc lưu trú, ăn uống, mua sắm đặc sản và các hàng hóa địa phương.
Theo Luật Du lịch 2017, khách du lịch được chia thành 3 nhóm chính bao gồm: khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài
Khách du lịch nội địa
Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam. Thay vì phải mất thời gian, chi phí để chuẩn bị hành lý và thủ tục xuất nhập cảnh, khách du lịch nội địa có thể dễ dàng tổ chức các chuyến đi để khám phá các điểm đến trong nước.
Theo báo cáo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, khách nội địa quý I/2024 ước đạt 30 triệu lượt, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách tham quan trong ngày đạt 17,1 triệu lượt khách, tăng 27,6% và gấp 1,4 lần cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19; khách lưu trú đạt 12,9 triệu lượt khách, giảm 8,5% và tăng 2,4%.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch. Họ thường có mục đích đến Việt Nam để khám phá, trải nghiệm văn hóa, danh lam thắng cảnh, ẩm thực và lối sống địa phương tại điểm đến. Để thực hiện chuyến du lịch vào Việt Nam, những người này cần phải có hộ chiếu và visa.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thường có khả năng chi trả, xu hướng tiêu dùng cao hơn. Do đó, đây được coi là nhóm khách quan trọng đem lại nguồn thu nhập lớn, đóng góp vào nền kinh tế và phát triển Ngành Du lịch của đất nước.
Theo Trung tâm Thông tin Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4 vừa qua đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Khách du lịch ra nước ngoài
Khách du lịch ra nước ngoài là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đến các quốc gia khác để đi du lịch. Họ có thể tự túc đi du lịch hoặc tham gia vào các tour được tổ chức bởi các tổ chức, doanh nghiệp lữ hành.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2023 có khoảng 5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch ra nước ngoài. Trong đó, đông nhất là khách đi du lịch Thái Lan với khoảng hơn 1 triệu lượt người. Tiếp theo là hơn 536.800 lượt khách đến Nhật Bản, 420.000 lượt khách đi Hàn Quốc, 35.000 lượt người đi du lịch Đài Loan.
Các quy định về quyền của khách du lịch được nêu cụ thể tại Điều 12, Luật Du lịch 2017 như sau
Tự tổ chức chuyến du lịch hoặc sử dụng các dịch vụ du lịch do các đơn vị, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch cung cấp.
Bên cạnh việc được hưởng các quyền lợi, khách du lịch cũng cần thực hiện các nghĩa vụ sau:
Tuân thủ tất cả các quy định luật pháp của Việt Nam và quốc gia điểm đến du lịch, ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, văn hóa địa phương, giữ gìn tài nguyên du lịch, không làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam
Như vậy, bài viết này đã cung cấp những thông tin chi tiết về khách du lịch bao gồm khái niệm, đặc điểm, các loại khách du lịch cũng như quyền và nghĩa vụ của họ. Với sự phát triển không ngừng của Ngành Du lịch, việc hiểu rõ và tận dụng tiềm năng của từng loại khách du lịch là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Xem thêm:
>>> Tổng quan về chương trình du lịch