chia sẻ:

3 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Ngành Du lịch

Cập nhật 11.10.2024 | Chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang đặt ra những yêu cầu mới cho nhân lực Ngành Du lịch và điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực cho Ngành Du lịch", Ông Nguyễn Quyết Tâm - Chủ tịch Công ty CP VietISO đã đưa ra những khuyến nghị về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch trong kỷ nguyên số.
3 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Ngành Du lịch

Giải pháp 1: Nâng cao chất lượng Giảng viên

Để đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên là vô cùng quan trọng. Giảng viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn định hình tư duy và trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để thích ứng với một Ngành Du lịch đang thay đổi mạnh mẽ. Vì vậy, đầu tư vào việc nâng cao nghiệp vụ cho giảng viên là nền tảng vững chắc để cải thiện chất lượng đào tạo.

Một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ giảng dạy. Những chương trình này nên bao gồm việc cập nhật kiến thức chuyên ngành, tiếp cận những xu hướng du lịch, học hỏi các phương pháp giảng dạy hiện đại, ứng dụng các giải pháp công nghệ du lịch thông minh. Giảng viên không chỉ tiệm cận với công nghệ ở mặt lý thuyết mà còn trực tiếp sử dụng, trải nghiệm để hiểu rõ cách thức khai thác giá trị từ giải pháp công nghệ. Có như vậy, việc truyền tải cho sinh viên du lịch mới chạm đúng thực tiễn và đạt hiệu quả tốt nhất.

Giải pháp 2: Cập nhật & đổi mới chương trình đào tạo

Công tác đào tạo nhân lực cho Ngành du lịch Việt Nam phải đi theo hướng thị trường cần. Trong kỷ nguyên số hiện nay, kỹ năng giao tiếp xuất sắc, kiến thức về an toàn công nghệ thông tin và du lịch thông minh càng cần được chú trọng.

Giai-phap-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nhan-luc-du-lich-trong-ky-nguyen-so_VietISO

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, việc đổi mới sáng tạo trong công tác đào tạo là một bước quan trọng. Điều này bao gồm việc áp dụng các phương pháp, nội dung và công nghệ mới để tạo ra một môi trường học tập đa dạng, linh hoạt và phản ánh đầy đủ xu hướng và yêu cầu của thị trường du lịch hiện đại.

Một trong những cách để thực hiện đổi mới sáng tạo là tích hợp các phương tiện giáo dục hiện đại, chẳng hạn như sử dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến, đưa các giải pháp phần mềm, ứng dụng di động vào quá trình giảng dạy. Điều này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách thuận lợi mà còn tạo ra trải nghiệm học tập tích cực và thú vị. 

Đơn cử như thời gian vừa qua, VietISO đã đưa Phần mềm quản trị doanh nghiệp du lịch TravelMaster vào công tác giảng dạy cho sinh viên hơn 20 trường Đại học, Cao đẳng có chuyên khoa Du lịch - Lữ hành trên toàn quốc. Kết quả đầu ra là 99% sinh viên đã nắm vững được cách thức hoạt động của phần mềm, sẵn sàng làm việc ngay ngày đầu tiên khi tham gia chương trình thực tập tại các doanh nghiệp lữ hành.

Ngoài ra, việc thiết kế các khóa học mới, cập nhật nội dung theo xu hướng mới trong ngành du lịch là cực kỳ quan trọng. Các bài giảng, tài liệu, và dự án thực tế cần phản ánh chính xác những thay đổi, thách thức và cơ hội trong ngành, giúp sinh viên phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết cho môi trường làm việc thực tế.

Giải pháp 3: Mở rộng hợp tác với doanh nghiệp

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giáo dục với thực tế công việc. Hợp tác tăng cường này không chỉ mang lại lợi ích cho sinh viên mà còn giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng nhanh chóng với yêu cầu của thị trường.

Một trong những cách quan trọng để tăng cường hợp tác là thông qua việc xây dựng chương trình thực tập và tư vấn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ việc giảng dạy bằng cách chia sẻ kiến thức thực tế, cung cấp cơ hội thực tập, và thậm chí đồng tài trợ cho những dự án nghiên cứu trong ngành du lịch. Ngược lại, nhà trường cần linh hoạt hóa chương trình học, tích hợp phản hồi từ doanh nghiệp để đảm bảo rằng nội dung giảng dạy đáp ứng đúng yêu cầu và kỹ năng cần thiết.

Các buổi workshop, seminar và sự kiện chia sẻ kinh nghiệm giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng là một phương tiện hiệu quả để tạo cơ hội gặp gỡ và trao đổi thông tin. Những sự kiện này không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về thực tế ngành nghề mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm kiếm và xác định những ứng viên tiềm năng.

Hơn nữa, việc xây dựng các chương trình đào tạo theo những đề xuất, góp ý hoặc yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp là một cách hữu ích để đảm bảo rằng sinh viên sẽ được trang bị với những kỹ năng và kiến thức chính xác mà doanh nghiệp đang tìm kiếm. Các chương trình đào tạo chuyên sâu, được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch số đáp ứng nhu cầu của xã hội là hết sức cần thiết, góp phần khẳng định vị thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Ngành Du lịch, cần tập trung và triển khai đồng bộ những giải pháp trên để đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường và của toàn Ngành Du lịch.