Cập nhật 09.02.2023 | Blog
Wellness tourism, trong tiếng Việt là du lịch chăm sóc sức khỏe hay du lịch sức khoẻ được tổ chức phi lợi nhuận Global Wellness Institute (GWI) định nghĩa là du lịch gắn liền với mục tiêu duy trì hoặc nâng cao sức khỏe cá nhân cả về thể chất lẫn tinh thần. Có thể hiểu wellness tourism như một cơ chế hỗ trợ sức khỏe tổng thể dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đối với một số người, nó có thể đòi hỏi một chuyến đi hoặc điểm đến dành riêng cho mục đích chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như một khóa tu yoga trên núi. Đối với những người khác, nó có thể liên quan đến việc kết hợp các thói quen và trải nghiệm lành mạnh vào các chuyến đi đã định sẵn. Ví dụ: bạn có thể đưa gia đình đến suối nước nóng trong kỳ nghỉ hàng năm hoặc dừng chân tại một spa để mát-xa giữa các phiên họp tại hội nghị công việc.
Không chỉ vậy, du lịch chăm sóc sức khỏe đối với một số người còn là một trải nghiệm chữa lành thông qua khóa thiền vipassana, khóa tu Phật thất, hay một cuộc hành hương,..
Wellness tourism được biết đến nhiều trong những năm gần đây, tuy nhiên, thực tế thì loại hình du lịch này đã xuất hiện trong các nền văn hoá cổ đại. Theo Health-tourism.com, các nền văn hoá Hy Lạp, Ai Cập, Do Thái, La Mã hay Celtic đều đã nhận ra lợi ích nổi bật của việc trị liệu bằng suối nước. Do đó, họ đã xây dựng những cơ sở chăm sóc sức khoẻ xung quanh khu vực suối. Theo Bách khoa toàn thư lịch sử thế giới , các phòng tắm có nhiệt độ khác nhau, bể bơi, phòng tập thể dục, phòng mát-xa và các phương pháp điều trị sức khỏe đã trở thành một đặc điểm điển hình trong văn hóa La Mã.
Tại Á Đông, ngay từ 5.000 năm trước, con người đã đến Ấn Độ để tìm kiếm lợi ích từ y học Ayurvedic, một phương pháp tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ngày nay, các dịch vụ wellness tourism trở nên vô cùng đa dạng. Cho dù sở thích của bạn nghiêng về yoga và thiền, trải nghiệm spa, giảm cân, đi bộ đường dài hay thậm chí là các phương pháp điều trị được cho là được tùy chỉnh theo DNA của bạn thì các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chăm sóc sức khoẻ đều có thể đáp ứng.
Trước đại dịch, sức khoẻ vẫn luôn là chủ đề được nhắc đến nhiều trong những cuộc thảo luận. Tuy nhiên, nó chưa thực sự được quan tâm đúng mực tại thời điểm đó. Nói một cách khác, mọi người dành sự ưu tiên cho những vấn đề khác hơn là sức khoẻ. Chỉ đến khi COVID-19 bùng nổ, sức khỏe mới chiếm vị trí trung tâm, trở thành ưu tiên của mọi cá nhân cũng như cộng đồng. Sự ưu tiên này đang tạo ra sự thay đổi trong ngành du lịch, tạo đà cho sự bùng nổ của xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe.
Một cuộc khảo sát người tiêu dùng năm 2021 của American Express cho thấy mức độ quan tâm thậm chí còn cao hơn: 76% số người được hỏi dự định đi du lịch để cải thiện sức khỏe của họ sau đại dịch. Trong khi đó, Viện Sức khỏe Toàn cầu đã báo cáo rằng wellness tourism dự kiến sẽ phát triển hơn bất kỳ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nào khác, tăng khoảng 20,9% vào năm 2025 . Giá trị thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu hiện ở mức 451 tỷ đô la, tuy nhiên báo cáo năm 2022 của Grand View Research tiết lộ rằng nó dự kiến sẽ tăng lên 1,02 nghìn tỷ đô la vào năm 2030.
Ngành khách sạn nói riêng cũng đang cho thấy những tiềm năng vượt trội của wellness tourism. Trong báo cáo: “ Khách du lịch năm 2023: Các xu hướng mới nổi đang đổi mới trải nghiệm du lịch ” của tập đoàn khách sạn Hilton, 50% số người được hỏi tin rằng các chuyến du lịch năm 2023 của họ cần giải quyết vấn đề sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của họ.
Các quốc gia đi đầu về mô hình du lịch chăm sóc sức khoẻ trên thế giới hiện nay phải kể đến như Ấn Độ với bề dày lịch sử về các phương pháp chăm sóc sức khỏe truyền thống, chẳng hạn như Ayurveda và yoga, Iceland nổi tiếng với những suối nước nóng tự nhiên cùng phong cảnh ngoạn mục, Nhật Bản- truyền thống phong phú về suối nước nóng và các thực hành chánh niệm (thiền định, trà đạo),...
Tại Việt Nam, mô hình du lịch chăm sóc sức khoẻ được các chuyên gia đánh giá là tiềm năng phát triển lớn bởi nước ta sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên cùng những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng thích hợp để khai thác dịch vụ. Minh chứng rõ ràng cho luận điểm này là việc Hà Nội và Hội An được xếp vào Top 10 điểm đến tốt nhất cho Wellness tourism tại Châu Á. Có thể nói rằng du lịch chăm sóc sức khỏe là thị phần màu mỡ cho ngành du lịch Việt Nam trong tương lai nếu chúng ta có một định hướng cùng những chính sách khai thác hợp lý.
Du lịch chăm sóc sức khoẻ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ
Du lịch chăm sóc sức khỏe cung cấp những trải nghiệm mới lạ hơn so với các loại hình du lịch thông thường. Không chỉ vậy, những địa điểm diễn ra trải nghiệm du lịch chăm sóc sức khoẻ cũng độc đáo hơn. Nó có thể là tại các tu viện, trên núi, khu nghỉ dưỡng suối nước nóng. Những trải nghiệm mới mẻ cùng với sự thay đổi về khung cảnh giúp mọi người vui vẻ, phấn chấn hơn.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 7/2020, những người có nhiều thay đổi về vị trí hàng ngày có xu hướng hạnh phúc hơn. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Vatsal Chikani và cộng sự thì chỉ ra rằng những người phụ nữ đi du lịch, nghỉ mát hai lần một năm ít bị trầm cảm và căng thẳng mãn tính hơn những người phụ nữ đi du lịch chỉ một lần hoặc không đi.
Du lịch sức khoẻ giúp mọi người hạnh phúc hơn
Theo một khảo phi học thuật do Liên minh Toàn cầu về Người cao tuổi thực hiện vào năm 2018, 88% người Mỹ được khảo sát cho biết họ cảm thấy bớt lo lắng và lạc quan hơn sau khi có kì nghỉ. Hơn nữa, yoga hay thiền, mát xa, những hoạt động phổ biến của du lịch chăm sóc sức khỏe, từ lâu đã được biết đến là có khả năng giảm stress, kích thích sự thư giãn.
Dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên, thực hành chánh niệm và tham gia vào các hoạt động chăm sóc bản thân đều cũng là cách để thể cải thiện sức khỏe tâm thần cũng giảm các triệu chứng lo âu.
Theo báo cáo từ Liên minh Toàn cầu về Người cao tuổi, việc tiếp xúc với các hành vi và môi trường mới thông qua du lịch có thể kích thích não bộ theo những cách mới, có khả năng giúp bạn luôn nhạy bén.
Trên thực tế, nhà nghiên cứu Lauren Brodsky thực hiện theo dõi hơn 2.000 người lớn tuổi trong ba năm, cô phát hiện ra rằng những người thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội hoặc giải trí, chẳng hạn như đi du lịch, có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn.
Du lịch sức khoẻ giúp cải thiện não bộ
Khi khách du lịch tìm kiếm những trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, họ thường tìm kiếm những điểm đến cung cấp các dịch vụ văn hóa độc đáo. Điều này có thể bao gồm truyền thống địa phương, thực phẩm, nghệ thuật và lịch sử. Bằng cách khám phá văn hóa của một địa điểm mới, du khách có thể mở rộng tầm nhìn, hiểu sâu hơn về các lối sống khác nhau và ra đi với sự đánh giá cao hơn đối với thế giới xung quanh.
Ngoài ra, du lịch chăm sóc sức khỏe đôi khi có thể bao gồm các thực hành văn hóa truyền thống, chẳng hạn như y học cổ truyền, châm cứu và yoga, mang đến cho du khách trải nghiệm văn hóa phong phú hơn.
Du lịch sức khoẻ giúp tăng trải nghiệm văn hoá
Tóm lại, với nhu cầu ngày càng tăng về lối sống lành mạnh hơn cùng với các phương pháp tiếp cận toàn diện hơn đối với sức khỏe, du lịch chăm sóc sức khỏe sẵn sàng trở thành một đóng góp chính cho ngành du lịch toàn cầu và là mảnh đất “màu mỡ” mà ngành du lịch Việt Nam cần phải khai thác.